Cổ phiếu ngành chứng khoán bám sát theo diễn biến của thị trường.
Trong năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam đã liên tục ghi nhận những mức tăng rất tích cực, chỉ số VN-Index đã tăng 48%, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân đạt trên 4.800 tỷ đồng/phiên. Các công ty chứng khoán (CTCK) do đó đã ghi nhận những mức lợi nhuận kỷ lục trong năm 2017.
Tiếp đà của năm 2017, tới đầu năm 2018, chỉ số VN-Index đã chính thức vượt đỉnh mọi thời đại của đầu năm 2007 và lên mức cao nhất 1.211,34 tại ngày 10/4 với giá trị giao dịch trung bình 3 tháng đầu năm lên tới hơn 7.500 tỷ đồng/phiên. Qua đó, các CTCK tiếp tục đạt được những mức lợi nhuận ấn tượng trong quý I/2018.
Tuy nhiên bắt đầu từ sau tuần đầu tiên của quý II, cùng với thông tin về cuộc chiến tranh thương mại bùng phát trên thế giới, Fed nâng lãi suất, và dòng tiền ngoại rút khá mạnh khỏi các thị trường mới nổi, đặc biệt tai khu vực ASEAN, thị trường đã đi vào một chuỗi điều chỉnh mạnh trên diện rộng với mức điều chỉnh lên tới 25,8% từ đỉnh cao nhất ngày 10/4. Trong quý II, VN-Index đã xuống mức thấp nhất năm ở quanh mức 891 điểm, chỉ số HNX-Index là mức 96 điểm, sau đó thị trường đã lấy lại cân bằng. Thanh khoản thị trường cơ sở cũng giảm mạnh khoảng 25% so với hồi đầu năm, ảnh hưởng lớn tới doanh thu môi giới cũng như cho vay margin của các CTCK. Ngoài ra, các mã cổ phiếu trên thị trường cũng có những mức giảm rất mạnh trên diện rộng, khiến cho danh mục tự doanh của các CTCK sa sút rõ nét, ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh của nhóm này trong quý II/2018.
Lợi nhuận 6 tháng của nhiều CTCK vẫn tăng trưởng dù quý II gặp khó
Cụ thể về kết quả kinh doanh quý II/2018, đã có nhiều CTCK có mức tăng trưởng riêng quý II/2018 giảm sút so với cùng kỳ năm 2017 như SSI, VND, SHS, BVS, CTS. Tuy nhiên lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, hầu hết các CTCK lớn đều vẫn có mức tăng trưởng dương, chỉ có BVS, CTS và AGR có mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2017.
Chỉ tính riêng quý II/2018, các CTCK có lợi nhuận lớn nhất trong quý II là SSI, VCI, HCM, BSI và VPBS. So với cùng kỳ năm ngoái, MBS là công ty có sự tăng trưởng ấn tượng nhất, gấp gần 10 lần cùng kì, bên cạnh đó là AGR khi ghi nhận kết quả lãi, trong khi đó công ty lỗ lớn ở quý II/2017. Ngoài ra, VPBS và FTS cũng có những mức tăng trưởng tốt.
Xét chung 6 tháng đầu năm 2018, top 5 CTCK ghi nhận LNST lớn nhất là SSI, VCI, HCM, VPBS và VND. Top 5 CTCK dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng là MBS, VPBS, HCM, VCI và FTS. Trong số các CTCK kể trên, chỉ có VPBS là CTCK duy nhất chưa niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Tuy không nằm trong top 10 về thị phần môi giới nhưng VPBS vẫn đứng top 4 về lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm 2018, trong đó đóng góp lớn vào kết quả tích cực của VPBS đến từ mảng tự doanh, cho vay margin và tưu vấn tài chính.
Về tài sản, đến hết quý II/2018, đứng đầu về quy mô tổng tài sản vẫn là SSI với giá trị tài sản lên tới 20,5 nghìn tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với vị trí thứ 2 là VND với giá trị tổng tài sản là 9,5 nghìn tỷ đồng. Tiếp đến là VCI, VPBS, SHS, HCM và MBS là những CTCK có tổng tài sản lớn hơn 4.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu trung bình của ngành CK đang ở quanh mức 1,2. Theo đó, một số CTCK lớn đang có mức nợ vay/vốn chủ sở hữu cao hơn khá nhiều so với mức trung bình ngành là VND, SHS, MBS và VPBS. Tỷ lệ này khá lành mạnh ở HCM, CTS, FTS và BSI. Riêng AGR do đang trong giai đoạn tái cơ cấu và trích lập các khoản lỗ lũy kế, do đó công ty gần như không thực hiện đòn bẩy tài chính.
Về chỉ số tài chính cơ bản, VCI và HCM dẫn đầu ngành về hiệu quả sử dụng vốn, thể hiện ở mức ROE và ROA trượt ở mức cao nhất ngành. Ở nhóm CTCK vừa và nhỏ, SHS cũng có tỷ lệ ROA, ROE ở mức cao.
Hiện tại, P/E và P/B trượt 12T trung vị của ngành chứng khoán đang được giao dịch ở mức lần lượt là 10,3 và 1,1.
Mức độ tập chung cao ở thị phần môi gới
Theo Bộ Tài chính, đến nay số lượng CTCK hoạt động bình thường là 79 công ty. Trong đó, 10 CTCK lớn dẫn đầu thị trường chiếm tới hơn 70% toàn bộ thị phần của 3 sàn giao dịch, trong khi đó số lượng CTCK còn lại phải cạnh tranh để dành lấy số thị phần gần 30% còn lại.
Song song với sự sụt giảm mạnh của thanh khoản trên thị trường cơ sở khi điều chỉnh, thanh khoản thị trường phái sinh đã tăng mạnh lên đột biến, có phiên lên tới trên 16.000 tỷ đồng (tương đương tổng mức tiền vốn thực là 2.300 tỷ đồng), gấp hơn 10 lần so với thời gian khi thị trường cơ sở khởi sắc trong quý I. Do đó, một số CTCK có thị phần phái sinh cao như VND, HCM, MBS vẫn đạt được những mức tăng trưởng cao về doanh thu môi giới.
Các CTCK vừa qua đã liên tục giảm phí giao dịch mạnh từ 10.000 đồng/hợp đồng xuống còn 5.000 đồng/hợp đồng, vừa qua VPBS cũng đã tiên phong giảm mức phí này xuống còn 3.000 đồng/hợp đồng. Ủy ban CK và Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia cũng đã có cuộc họp với các công ty Quản lý quỹ, các CTCK hàng đầu để liên tục chuẩn hóa sản phẩm phái sinh, và nghiên cứu các giải pháp để TTCK phái sinh phát triển lành mạnh, không gây tác động tiêu cực lên TTCK cơ sở. Trong tháng 7, UBCK đã ra quyết định tăng mức kí quỹ bắt buộc tối thiểu đối với hoạt động phái sinh từ 10% lên 13%, nhằm đảm bảo mức độ an toàn tài chính trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu và trong nước biến động mạnh.
Trên TTCK cơ sở, SSI tiếp tục vị thế vững chắc của mình khi thị phần môi giới dẫn đầu ở cả 3 sàn giao dịch, chính vì vậy doanh thu môi giới của SSI cũng đứng đầu toàn ngành, đạt 708,45 tỷ đồng ở 6 tháng đầu năm 2018, tăng 135,7% so với cùng kỳ.
Có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong doanh thu môi giới là VCI với doanh thu ở mảng hoạt động này trong 6 tháng 2018 là 641,5 tỷ đồng, tăng tới 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2017, đứng thứ 2 toàn ngành về giá trị doanh thu môi giới.
Đứng thứ 3 toàn ngành về doanh thu môi giới là HCM với doanh thu ghi nhận nửa đầu năm 2018 đạt 461,24 tỷ đồng, tăng 119,3% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài việc có thị phần cao trên thị trường cơ sở, HCM cũng có thị phần môi giới rất cao trên TTCK phái sinh, chiếm tới 24,46% thị phần.
Thị trường hiện đã trở nên cân bằng hơn sau giai đoạn giảm mạnh và dần hồi phục trở lại, cổ phiếu ngành chứng khoán cũng ghi nhận sự tăng giá trong khoảng 1 tháng qua, tuy nhiên cần lưu ý rủi ro thị trường luôn là rủi ro lớn nhất với ngành CK, danh mục tự doanh mặc dù có tiềm năng tăng giá dài hạn, tuy nhiên bị ảnh hưởng không nhỏ nếu như thị trường diễn biến bất lợi, đặc biệt là trước những bất ổn từ tình hình địa chính trị thế giới, cuộc chiến tranh thương mại giữa các quốc gia. Do đó các nhà đầu tư cần theo sát tình hình chiến tranh thương mại và diễn biến tỷ giá nhằm tránh được tác động xấu tới thị trường chứng khoán.
Nguồn: VPBS