Khái niệm Margin: Margin hay còn gọi là “đòn bẩy tài chính”, hay “giao dịch ký quỹ”, là vay tiền của công ty chứng khoán để đầu tư vào chứng khoán. Có nghĩa là bạn có thể được mua số lượng cổ phiếu cao hơn nhiều so với số tiền thực sự bạn có. Các nhà đầu tư dùng Margin nhằm gia tăng lợi nhuận đồng thời phải chịu mức rủi ro cao hơn,
Ví Dụ: Anh A sử dụng 2 tỷ của chính mình để mua cổ phiếu Vinamilk (VNM) trị giá 2 tỷ đồng. Nghĩa là anh A đã mua lượng cổ phiếu đúng bằng số vốn sẵn có, không dùng Margin.
Chị B thì muốn mua nhiều cổ phiếu hơn anh A, nhưng cũng chỉ có 2 tỷ, nên chị B đã sử dụng Margin để mua cổ phiếu Vinamilk trị giá 4 tỷ đồng. Như vậy chị B đã vay của công ty chứng khoán 2 tỷ đồng.
Nếu giá của cổ phiếu VNM tăng lên 20%. Khi đó anh sẽ A lời 400 triệu đồng (20% X 2 tỷ = 400 triệu, tương ứng với mức sinh lời 20%), và chị sẽ B lời 800 triệu đồng (20% X 4 tỷ =800 triệu, tương ứng với mức sinh lời so với vốn gốc là 800 triệu/ 2 tỷ =40%).
Ngược lại, nếu giá cổ phiếu VNM giảm 15%, cùng cách tính trên thì khi đó anh A sẽ lỗ 300 triệu (tương ứng 15%); chị B sẽ lỗ 600 triệu (tương ứng 30%).
Tuy nhiên, giống như vay thế chấp ngân hàng, để có thể sử dụng Margin bạn cần phải có tài sản đảm bảo cho khoản vay của mình, các tài sản thế chấp đó chính là cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt. Có nghĩa là, bạn không thể vay bao nhiêu tùy ý, mà còn phải phụ thuộc vào số cổ phiếu mà bạn đang nắm giữ và tùy từng thời điểm mà các công ty chứng khoán sẽ có các mức tỷ lệ đòn bẩy khác nhau. Ví dụ:
Giả sử ban có tổng tài sản là 100 triệu (trong đó bao gồm cả cổ phiếu và tiền mặt), nếu:
• Tỷ lệ đòn bẩy là 1:1.5 – tức là CTCK cho phép bạn vay 150 triệu.
• Tỷ lệ đòn bẩy là 1:2 – tức là CTCK cho phép bạn vay 200 triệu.
• Tỷ lệ đòn bẩy là 1:3 – tức là CTCK cho phép bạn vay 300 triệu.
Bạn sử dụng tỷ lệ đòn bẩy càng cao thì lợi nhuận/rủi ro cũng tương ứng.
Margin Call là trường hợp khi cổ phiếu giảm giá đến một tỷ lệ nhất định, nhà đầu tư được yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo, việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng với nhà đầu tư. Hiện nay, tỷ lệ nợ an toàn cho phép là ≤140%, khi giá cổ phiếu sụt giảm mạnh đến mức tỷ lệ nợ của bạn tăng lên > 140% thì bạn sẽ được CTCK thông báo rằng đã vượt quá tỷ lệ nợ.
Khi đó, bạn sẽ phải nộp thêm tiền vào hoặc bán ra một phần cổ phiếu để duy trì đúng tỷ lệ nợ an toàn. Nếu sau thời gian T+2 (2 ngày) kể từ lúc thông báo bạn chưa hạ tỷ lệ nợ về ≤140% thì bạn sẽ bị bán giải chấp. Tức CTCK bắt buộc bạn phải bán bớt cổ phiếu để hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định. Trường hợp nếu giá cổ phiếu tăng lên sau khi bạn mua thì tỷ lệ nợ của bạn sẽ giảm xuống (nở margin) và bạn có thể mua thêm được cổ phiếu.
Trong xu hướng tăng giá, margin sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng có được mức tăng lợi nhuận đáng kể, nhưng trong trường hợp thị trường xấu, nhà đầu tư cũng dễ dàng mất một khoản tiền lớn hơn so với không dùng margin. Vậy thì ai và khi nào nên dùng margin? dùng margin như thế nào cho hiệu quả?
Việc dùng margin chỉ thích hợp với những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn, quản trị rủi ro tốt và đặc biệt phải tuân thủ kỷ luật đề ra. Và để chiến thắng trong việc dùng margin thì phải là nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm. Với nhà đầu tư mới, Quân có lời khuyên chân thành là chưa nên dùng margin.
Cách dùng margin an toàn, hiệu quả:
Bước 1: Lựa chọn cổ phiếu
• Để lựa chọn cổ phiếu đối với chiến lược này là thanh khoản. Tất nhiên, thanh khoản cao mới thuận tiện trong việc đóng trạng thái margin về mức an toàn;
• Các cổ phiếu phải có yếu tố cơ bản nội tại tốt vì nhóm này thường được cấp tỷ lệ Margin cao;
• Các cổ phiếu đang trong thời kỳ tăng trưởng hoặc những cổ phiếu mang tính dẫn dắt thị trường.
Bước 2: Thực hiện giao dịch
Đầu tiên NĐT sử dụng vốn tự có của mình để mua cổ phiếu, sau T+3 hàng về tài khoản và giá cổ phiếu tăng lên so với giá mua ban đầu (danh mục đang lãi). Khi đó, nhà đầu tư quan sát cổ phiếu và bắt đầu sử dụng margin để mua thêm khi cổ phiếu tăng đúng như nhận định nhằm gia tăng lợi nhuận. Điều quan trọng nhất là phải mua đúng nhịp sóng bắt đầu tăng, tuyệt đối không mua khi giá đã tăng quá nhiều so với nền tảng của giá cổ phiếu đó.
Thông thường, để hỗ trợ các quyết định mua bán này nhà đầu tư thường dựa vào các chỉ báo trong phân tích kỹ thuật để ra quyết định.
Nếu giá cổ phiếu giảm thì bán ngay danh mục ban đầu của mình để đóng trạng thái margin. Nếu giá cổ phiếu tiếp tục tăng thì giá trị tài sản ròng của NĐT tăng lên, do đó, các công ty chứng khoản sẽ cung cấp thêm hạn mức cho khách hàng và tiếp tục sử dụng margin để mua vào.
Lúc này có thể mua vào các cổ phiếu cơ bản khác trong danh mục của mình mà chưa tăng giá. Sau khi thị trường hoặc cổ phiếu có dấu hiệu đảo chiều, danh mục margin gần với ngưỡng call (giải chấp) hoặc tài khoản bị call là thời điểm các NĐT theo chiến lược này thực hiện chốt lời đưa margin về ngưỡng an toàn.
Một số lưu ý quan trọng khi sử dụng margin:
• Tuyệt đối không dùng margin bắt đáy, không dùng margin khi thị trường hoặc cổ phiếu đi ngang và tuyệt đối không dùng tiền margin để mua đuổi cổ phiếu khi mã đó đã tăng quá nhiều. Tất cả những tín hiệu này đều cần phải sử dụng phân tích kỹ thuật và kinh nghiệm để nhận biết.
• Tuyệt đối phải tuân thủ kỷ luật an toàn vốn là hàng đầu, vậy nên không được để lòng tham lấn át khi mà cổ phiếu đã qua vùng đỉnh mà không chốt lãi hạ margin và không dùng margin bắt đáy khi cổ phiếu chưa tạo đáy xong.
• Chỉ sử dụng margin cho chiến lược đầu tư ngắn hạn và chỉ kích hoạt margin khi nhận thấy cổ phiếu vào kênh tăng giá trong bối cảnh thị trường chứng khoán thuận lợi.
Tóm lại, việc dùng margin sẽ giúp gia tăng lợi nhuận nhanh chóng khi cổ phiếu tăng giá. Nhưng ngược lại cũng làm cho tài sản của NĐT mất đi nhanh hơn khi cổ phiếu giảm giá, nó giống như con dao hai lưỡi, nếu không biết dùng sẽ là cách “đốt” tài khoản “cháy” nhanh nhất. NĐT khi đã có nhiều kinh nghiệm thì mới cân nhắc việc dùng margin và chỉ dùng margin trong những thời điểm thị trường thuận lợi.