Về bản chất có nét giống như công ty cổ phần, ngân hàng thương mại cổ phần có sứ mệnh tối đa hóa lợi ích của cổ đông và hài hòa lợi ích của các bên thông qua hoạt động tín dụng và hoạt động cung cấp dịch vụ khác. Tôi muốn đưa ra một vài quan điểm ngắn gọn nhưng thực tiễn về các nhân tố đáng lưu ý để các nhà đầu tư có thể tự phân tích và quyết định mua cổ phiếu ngân hàng.
Với vai trò trung gian tiền tệ và là mạch máu của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam đang đóng vai trò có thể nói là đang quá lớn đối với vận mệnh đất nước khi mà trên 90% tín dụng/tiết kiệm đang phải thực hiện thông qua ngân hàng. Cũng không khó hiểu khi người ta thường coi nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng là một trong những yếu tố chủ đạo để đánh giá xu hướng chung của thị trường và bất kỳ quỹ đầu tư tài chính nước ngoài lớn nào cũng phải sở hữu ít nhất 2-3 cổ phiếu ngân hàng khi đầu tư vào Việt Nam để theo kịp chỉ số.
Tiêu chí cần nêu ra đầu tiên đó là hoạt động kinh doanh, quan sát trong báo cáo tài chính, phần “cho vay khách hàng”, chúng ta có thể nắm được ngân hàng đó có tỷ lệ cho vay cao hay không, nghĩa là ngân hàng có làm hoạt động kinh doanh cốt lõi hay không, nếu rơi vào khoảng 2/3 thì là chấp nhận được. Song còn phải để ý rằng số tiền cho vay đó chủ yếu rơi vào lĩnh vực gì, nếu là đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán hoặc các hạng mục tín chấp thì quả thực không bao giờ yên tâm bằng cho vay trong các lĩnh vực sản xuất/dịch vụ/tiện ích.. mà có thế chấp (có tài sản đảm bảo). Nhà đầu tư cũng có thể soi xét các hạng mục đầu tư chứng khoán của các ngân hàng đó xem có đảm bảo là tốt hay không nếu không ngại nghiên cứu thêm bởi điều này cũng khá cần thiết để đánh giá tính an toàn. Chúng ta nên đề phòng với những khoản chứng khoán đầu tư cao bất thường – trên 5% đến 10% tổng tài sản – (ví dụ như trái phiếu “rác” Vinashin của Habubank trước đây) có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị tài sản ròng của ngân hàng.
Bên cạnh hoạt động cho vay, thông thường để hạn chế sức ép của lãi suất, ngoài hoạt động chính là cho vay tín dụng thì các ngân hàng còn đẩy mạnh hoạt động vào các dịch vụ đi kèm không kém phần quan trọng (bán chéo, ngoại hối, tư vấn, ngân hàng đầu tư, bảo lãnh L/C) thông thường đạt tỷ trọng doanh thu khoảng 10% trở lên sẽ tránh được rủi ro lãi suất và tăng thêm khả năng thu nhập.
Yếu tố ban lãnh đạo cũng rất quan trọng, nếu nhìn lại các đại án đã xảy ra, thì người ta không khỏi lo lắng về việc liệu ngân hàng này có thể bị phá sản hay không. Muốn biết các ông chủ nhà băng có khả năng rút ruột lợi nhuận hay không, hãy nhìn vào tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng thu nhập (OPEX). Trong khi các ông chủ nhà băng đút túi mỗi năm hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng, các cổ đông và các nhân viên mẫn cán lại phải ngậm ngùi với bài ca “dành vốn để phát triển” thường kỳ. Chính vì thế, tỷ suất chi phí hoạt động thấp thể hiện cả yếu tố quản lý lẫn đạo đức của ban quản trị – thông thường dưới 50% là khá tốt.
Vì nợ xấu là điểm nhạy cảm của tất cả các ngân hàng, cho nên chúng ta không nên quá tin tưởng các con số nợ xấu được nêu ra trong các báo cáo tài chính, thông thường con số thực còn cao gấp 3-5 lần, vậy thay vào đó ta tự tính tỷ lệ đòn bẩy bằng cách lấy tài sản chia cho VCSH (tối đa 5% là yêu cầu tối thiểu). Một quyết định cho vay sai lầm có thể dẫn đến bờ vực phá sản. Các con số nên là tự tính toán, có nghĩa là nên chịu khó học vài kỹ năng định lượng.
Xét về tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) – đơn giản là một chỉ số tương quan giữa lãi thuần tín dụng (thu nhập lãi trừ toàn bộ chi phí liên quan) trên trung bình tài sản cho vay trong kỳ (ở công thức tính NIM này tôi loại bỏ phần tài sản liên quan đến đầu tư, dịch vụ khác… do tính bất thường và không đáng tin của nó). Tỷ lệ này càng ổn định và cải thiện, cổ phiếu càng có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận tốt. Hiện tại mức NIM trung bình ngành ngân hàng Việt Nam nằm ở khoảng 2% – 4 %.
Trong định giá, ngành ngân hàng nói riêng và lĩnh vực tài chính nói chung, vì đặc thù có chu kỳ biến động ngắn, tài sản ở dạng tiền tệ (hữu hình) chiếm phần lớn, số liệu trên kết quả kinh doanh dễ bị “xào nấu” nên tôi ưa dùng phương pháp định giá theo giá trị sổ sách (P/B) thay vì các phương pháp khác như P/E hay DCF. Nhà đầu tư có thể trả mức thặng dư trong khoảng từ 10% đến 20% so với giá trị sổ sách dựa trên mức ROE trong tương lai mà nhóm này có thể mang lại cho cổ đông.
Trong thời gian sắp tới, dự kiến số lượng ngân hàng niêm yết sẽ tăng vọt do có sự gia nhập thêm của các ngân hàng tư nhân, tạo ra nhiều cơ hội cũng như nhiều “cạm bẫy” hơn nếu nhà đầu tư không tỉnh táo và biết tự đưa ra các tiêu chí cho riêng mình.
Tóm lại, nghiên cứu bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào cũng cần có sự am hiểu nhất định về đặc thù ngành và lợi thế cạnh tranh của ngành, đối với ngành ngân hàng, mặc dù đã nói dựa vào P/B để định giá, xong không thể bỏ qua cả mặt định tính về các giá trị vô hình khác như thương hiệu, tuổi đời ngân hàng hay các dấu hiệu pháp lý.. chẳng hạn. Việc chúng ta chấp nhận mức giá cổ phiếu chênh lệch như thế nào so với giá trị sổ sách còn tùy thuộc vào một chút định tính về vĩ mô, cộng với mức ROE mà nó sẽ đem lại trong tương lai, và người ta thường lấy mức ROE trên 12% được coi đạt yêu cầu đối với một ngân hàng tốt trong giai đoạn hiện nay. Nhà đầu tư có thể trả mức thặng dư trong khoảng từ 10% đến 20% so với giá trị sổ sách dựa trên mức lợi nhuận trên vốn mà nhóm này có thể mang lại cho cổ đông.